Lượt truy cập: 66026

Dầu ông già? Lịch sử cái tên DẦU ÔNG GIÀ

Dầu ông già là một khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong ngành in lụa chúng ta, về mặt hóa học nó có tên Cyclohexanone C8H11OH, là dầu chuyên dùng cho ngành nhựa và thông dụng nhất là nhựa PVC (Polyvinylclorure [-CH2-CHC1-]). Tuy nhiên hôm nay tôi không muốn bàn đến những vấn đề hóa học hay tính chất của dầu ông già, mà tôi chỉ muốn chia sẻ nguyên bản một câu chuyện rất hay về dầu ông già trong cuốn sách “Tự học in lụa” của thầy Tam Linh, cuốn sách do Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2001, cuốn sách có hơn 400 trang, để mọi người cùng chiêm nghiệm.

Giới thiệu về dầu ông già

Dầu ông già là một khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong ngành in lụa chúng ta, về mặt hóa học nó có tên Cyclohexanone C8H11OH, là dầu chuyên dùng cho ngành nhựa và thông dụng nhất là nhựa PVC (Polyvinylclorure [-CH2-CHC1-]). Tuy nhiên hôm nay tôi không muốn bàn đến những vấn đề hóa học hay tính chất của dầu ông già, mà tôi chỉ muốn chia sẻ nguyên bản một câu chuyện rất hay về dầu ông già trong cuốn sách “Tự học in lụa” của thầy Tam Linh, cuốn sách do Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2001, cuốn sách có hơn 400 trang, để mọi người cùng chiêm nghiệm.

dầu ông già cyclohexanone
Thầy Tam Linh là một người tôi rất ngưỡng mộ vì đã viết ra một cuốn sách rất có giá trị tham khảo trong ngành in lụa, một cuốn sách hội tụ đủ các yếu tố Tâm huyết tuyệt vời + Tri thức hàn lâm + Cách trình bày khoa học + Phong cách viết giản dị, gần gũi và dễ hiểu. Cuốn sách thực sự xứng đáng là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều anh em làm in lụa, in lưới chúng ta.

Giai thoại về dầu ông già

Đầu năm 1964, tôi nhận gia công in lụa 50.000 cái stickers dán kiếng xe ôtô và 20.000 dây cờ bướm bằng chất liệu PVC, in bốn màu quảng cáo xăng Shell “YÊU XE LÀ YÊU XĂNG” cho QC Cuộc Việt Nam Express (số 20 Nguyễn Cư Trinh).

Số lượng khá lớn, quy tụ 20 công nhân và chuyên viên có tay nghề để thực hiện. Thuê mặt bằng là một phân xưởng của ông Trần Tử Văn (TTV) tọa lạc ở Bến Bình Đông. Ông TTV là một chuyên viên cơ khí nổi tiếng về khuôn mẫu và biết In lụa có tay nghề cao, có dự trữ vật tư nguyên nhiên liệu hóa chất ngành In lụa và hợp đồng cung cấp cho tôi một số theo nhu cầu để in các sản phẩm nêu trên chủ yếu là Dầu Cyclohexanone (dầu PVC). Từ đó, Tam Linh với TTV đã quen lại càng thân thêm, ngày nào cũng cafe, điểm tâm với nhau rất tâm đắc.

Sau ngày giải phóng (1975), vì ế ẩm, ít việc làm nên tôi và ông TTV ít có dịp gặp nhau. Bẵng đi một thời gian, vào một buổi chiều tháng 6/1975 có 1 ông già người Hoa, tuổi trạc 60, đi xe đạp chở trên bọoc-ba-ga 1 can nhựa 10 lít dung môi (solvant) PVC (lúc bấy giờ Cyclohexanone giới In lụa gọi là dầu PVC) đến cơ sở TAM LINH ở Cầu Ông Lãnh Q.1 gạ bán với giá rất “bèo” và rất “hữa nghị”. Tôi nhận ra ông là người giữ kho cho ông TTV, ông vừa xã giao để bán được hàng vừa kể chuyện cho tôi biết ông TTV và gia đình hiện định cư ở Anh Quốc. Lúc bấy giờ cơ sở tạm ngưng vì ế ẩm nhưng tôi cũng vẫn mua giúp ông.

Ông già người Hoa này không chỉ bán cho tôi mà bán khắp mọi nơi trong thành phố, bán được nhất là các cửa hàng bán sơn đường Nguyễn Văn Cừ (Văn Minh, Thanh Mai, Hoàng Minh, Môtô Kiều) khu đường Lý Thái Tổ, Trịnh Hoài Đức, Phùng Hưng, Vạn Tượng, chợ Kiem Biên. Các tiệm sơn này bán lại cho những người In lụa.

Dầu ông già trong in lụaSau khi tôi sử dụng hết số dầu Cyclohexanone của ông già người Hoa, tôi khiếm ông ta ở kho của ông TTV thì hãng này được Nhà nước tiếp thu quản lý, tìm ông già k hông ra nên tôi tìm mua dầu Cyclohexanone ở các tiệm sơn và các cửa hàng hóa chất, họ đều không có. Không nản chí và cũng rất cần xài dầu này, nên lần sau tôi mang theo một chai nhỏ (hũ Péniciline) đựng dầu Cyclohexanone làm mẫu, lên một cửa tiệm quen đường 3/2 gần Lý Thường Kiệt, Q.11, sau cái gật đầu chào tôi hỏi:

+ Chị có dầu Cyclohexanone không?

+ Dầu xi lô là dầu gì? Chị chủ tiệm hỏi lại.

Tôi chìa ra lọ Péniciline dầu mẫu.

Chị ta mở nắp lọ, ngửi rồi nói:

+ Cái này là DẦU ÔNG GIÀ. Cậu mua bao nhiêu? Chị chủ tiệm hỏi tôi.

+ Thưa cho tôi 5 lít xài thử, nếu tốt sẽ mua nhiều.

Tôi hỏi thêm để tìm hiểu: DẦU ÔNG GIÀ tên khoa học là gì hở chị?

+ Ai mà biết tên là gì đâu, ở khu vực này người ta thường gọi dung môi này là “DẦU ÔNG GIÀ” (!?!).

+ Sao không có tên khoa học như Xăng thơm, dầu chuối, dầu axêtôn rửa móng tay.. mà gọi là Dầu Ông Già?

+ Thì bởi vì, dầu này do 1 ông già thường xuyên cung cấp, nên gọi là “DẦU ÔNG GiÀ” vậy mà. Chị chủ tiệm trả lời khẳng định tỉnh bơ.

+ À, là như vậy!

Tôi chợt hiểu và hiểu một cách sâu xa về cái “thói quen” như là phong tục tập quán của dân tộc mình, ngẫm nghĩ cũng ngồ ngộ, vui vui với cái tên “Dầu Ông Già” đầy ấn tượng đã khắc sâu vào tâm khảm của mọi người, của giới In lụa và của chị chủ tiệm sơn.

Đã 25 năm trôi qua, cái tên “DẦU ÔNG GIÀ” luôn tồn tại. Hiện ở TP Hồ Chí Minh có hằng trăm tiệm sơn, cửa hàng hóa chất ở khu chợ Kim Biên, Phùng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Calmette… bạn thử chọn 10 cửa hàng, hỏi mua dầu Cyclohexanone hay Dầu Ông Già, xem họ trả lời như thế nào?. Tôi tin rằng cả 10 cửa hàng đều biết “DẦU ÔNG GIÀ”, chỉ có 5 cửa hàng biết Cyclohexanone mà thôi…

Xin cúi đầu chào “thói quen” muôn năm!